Đây là chiến dịch thứ hai do Bộ Thương mại Thái Lan phát động nhằm hạ giá nhiều mặt hàng thiết yếu để giúp đỡ hàng chục triệu người lao động nghèo vượt qua khủng hoảng.
Trước đó, hôm 16 tháng Tư, chính phủ cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, nhà phân phối và doanh nghiệp bán lẻ hạ giá từ 5 đến 58% để giúp giảm chi phí sinh hoạt trong thời gian xảy ra đại dịch. Theo đó, có sáu danh mục bao gồm 72 loại hàng hóa được yêu cầu giảm giá đến ngày 30 tháng Sáu.
Chiến dịch “ép hạ” giá gạo lần đầu bao gồm sáu mặt hàng gạo đóng gói, có cả gạo đặc sản Hom Mali 100%, gạo Hom Mali cao cấp và gạo thơm cao cấp. Còn ở lần thứ hai được phát động từ hôm qua (22/4) và kéo dài đến cuối tháng 6 sẽ có thêm 98 mặt hàng từ 18 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo sẽ phải giảm giá tới 50%.
Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho biết, ngoài các mặt hàng được yêu cầu giảm giá trong các chiến dịch vừa phát động, hiện chính phủ đã giao Bộ Nội vụ bổ sung thêm các mặt hàng khác trong các đợt tiếp theo. Ông Jurin cũng hy vọng, có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào các chiến dịch đặc biệt này để giúp giảm chi phí sinh hoạt cho người tiêu dùng bị tổn thương bởi đại dịch.
Ông Somkiat Makayatorn, chủ tịch danh dự Hiệp hội đóng gói gạo Thái Lan dự đoán, thời gian tới giá gạo sẽ còn tăng lên, sau khi đã tăng 20-30% kể từ đầu năm, chủ yếu là do hạn hán và nhu cầu tăng mạnh do đại dịch.
“Hiện gạo tại nhà máy chế biến ở Thái Lan đưa đi đóng gói đã tăng lên 15 bạt/kg từ mức 12,50 bạt vào đầu tháng 1. Dự kiến giá gạo sẽ tiếp tục tăng mạnh cho tới tháng 8 hoặc tháng 9, trước khi bước vào vụ thu hoạch mới”, ông Somkiat cho biết.
Ông Somkiat cũng cho rằng, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua là nguyên nhân chính khiến nông dân trồng lúa thất thu từ 1,5-2 triệu tấn gạo trái vụ nhưng sự tăng giá cũng chỉ trong ngắn hạn, bởi lượng tiêu thụ gạo trong nước nhiều khả năng sẽ giảm trong năm nay do lượng khách du lịch quốc tế chưa dám quay trở lại Thái Lan.
Kim Long
Vui lòng đợi ...