Áp dụng cơ giới hóa nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. |
Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ triển khai những tiến bộ kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” có những kết quả tích cực về nhiều mặt. Đặc biệt tạo ra kiểu mẫu mới trong tổ chức SX lúa hàng hóa như mô hình cánh đồng lớn, SX lúa sạch, hữu cơ…
Ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lợi ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ SX khá đồng bộ như: trạm bơm điện, lò sấy và nhà kho chứa lúa. Nông dân rất phấn khởi vì tới đây có điều kiện để giảm chi phí SX và giảm được việc hư hao, thất thoát lúa sau thu hoạch. Nhờ có nhà kho chứa lúa, nông dân có thể trữ lúa lúc giá rẻ để chờ thời điểm có giá tốt hơn.
HTX Nông nghiệp Đại Lợi có trên 300 xã viên tham gia sử dụng các dịch vụ của HTX, với diện tích canh tác lúa hơn 500 ha. Theo ông Tuấn, việc đưa trạm bơm điện vào phục vụ tưới tiêu theo quy mô lớn tập trung trên cánh đồng cũng giúp nông dân có thể giảm khoảng 40% chi phí so với thực hiện bơm tát nước theo kiểu nhỏ lẻ bằng các máy bơm chạy bằng xăng dầu.
Anh Đoàn Tuấn Về, Phó GĐ HTX Thạnh Lộc ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành nông nghiệp thành phố và Dự án VnSAT Cần Thơ, nông dân tại HTX đã tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp giảm nhiều chi phí SX và nâng cao chất lượng sản phẩm để bán giá cao.
Đồng thời, mạnh dạn đưa thêm nhiều loại máy móc, thiết bị mới vào phục vụ SX, nhất là thực hiện gieo cấy lúa và bón phân bằng loại máy như: máy cấy, máy sạ hàng, máy phun hạt… Qua đó giảm mạnh lượng sử dụng giống trong gieo cấy và tiết kiệm được khoảng 30% chi phí tiền phân bón, thuốc BVTV so với trước đây.
Theo ông Hà Văn Phơ, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX lúa phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, hiện tổ hợp tác có 60 tổ viên, với diện tích canh tá hơn 72ha. Trước đây, nhiều nông dân thường có thói quen gieo sạ dày và sử dụng phân, thuốc BVTV không đúng cách dẫn đến chi phí SX cao.
Tuy nhiên, thông qua nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm và tập huấn kỹ thuật được ngành nông nghiệp thành phố và Dự án VnSAT Cần Thơ tổ chức, bà con đã đổi mới tư duy SX.
Đặc biệt, thông qua các mô hình trình diễn “1 phải, 5 giảm” gắn với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa giúp nông dân có thể tự tin giảm lượng sử dụng giống từ hơn 200 kg/ha, xuống chỉ còn 40-130 kg/ha, tùy cấy hay sạ thưa.
Nông dân quan tâm sử dụng nguồn giống đảm bảo chất lượng để cây lúa khỏe, tăng sức chống chịu với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất lợi, giảm mạnh việc sử dụng phân, thuốc hóa học, thực hiện bón phân cân đối, phun xịt thuốc theo nguyên tắc “4 đúng’ và tưới tiết kiệm cho lúa.
Anh Nguyễn Ngọc Huấn ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, tiết kiệm chi phí là một trong những tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Việc ứng dụng máy cấy trong khâu gieo sạ không chỉ tiết kiệm được lượng lúa giống, giải phóng sức lao động, mà còn đảm bảo cho việc xuống giống trong thời gian ngắn, phù hợp áp dụng cho SX quy mô lớn như hiện nay.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP. Cần Thơ, Phó GĐ Dự án VnSAT Cần Thơ cho biết: Dự án được triển khai trên 4 quận, huyện SX nông nghiệp trọng điểm của Cần Thơ, như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt với gần 40.000ha lúa và hơn 32.000 hộ nông dân tham gia.
VnSAT Cần Thơ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng SX lúa. |
Mục tiêu nhằm gia tăng 30% lợi nhuận cho nông dân SX lúa gạo thông qua áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó dự án còn làm giảm tác động tiêu cực với môi trường thông qua giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân, thuốc trong quá trình canh tác. Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo bà Hiếu, để nông dân, THT và HTX tiếp cận được sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT như kỹ thuật, thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng… trước mắt đòi hỏi SX phải có quy mô 50 hộ trồng lúa trở lên với diện tích lúa phải từ 500ha trở lên theo mô hình liên kết. Những hộ SX phải từng biết áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Tính đến nay Dự án VnSAT Cần Thơ đã hỗ trợ 6 HTX với kinh phí trên 44 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, giúp nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới, sử dụng thiết bị máy móc SX theo hướng hiện đại... |
LÊ HOÀNG VŨ
Vui lòng đợi ...